Thứ Bảy, 19/04/2025

Tăng cường các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi

Thứ Ba, 23/01/2024

 

Tăng cường các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi

 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia,  đợt không khí lạnh tăng cường đã tràn khắp Bắc Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 7-10 độ.

 Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, chủ động trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

1. Chuồng trại

-  Chủ động gia cố, dùng bạt, nilon... che chắn đảm bảo chuồng trại đủ ấm không bị mưa tạt, gió lùa; 

- Giữ cho nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ. Thường xuyên thay chất độn chuồng đối với đàn gia cầm và hạn chế rửa chuồng đối với đàn gia súc (nhất là lợn con theo mẹ và lợn con sau cai sữa);

- Sưởi ấm cho vật nuôi nhất là gia súc, gia cầm non phải có ô úm riêng, có bóng điện sưởi đảm bảo nhiệt độ trong ô úm từ 22-28oC; Có thể sử dụng bóng điện hay đốt lửa sưởi cho vật nuôi trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi... (Phải đảm bảo an toàn trong chuồng nuôi (tránh cho vật nuôi bị bỏng, ngạt khói hoặc gây cháy); 

- Đối với trâu, bò, dê,… có thể sử dụng các loại chăn cũ, bao tải, bạt… (nếu có bao tải gai là tốt nhất) may áo giữ ấm cho gia súc. 

2. Chăm sóc, nuôi dưỡng

Cần cho gia súc, gia cầm ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng, đảm bảo đủ nhu cầu để tăng khả năng chống rét:

* Đối với trâu, bò: cho ăn đủ no (1 con trâu, bò trưởng thành cần ăn 30-35 kg cỏ tươi/ngày); bổ sung thêm 1,5-2,0 kg tinh bột (cám gạo, gạo, ngô, khoai, sắn) cho 1 con trâu, bò/ngày. Những ngày trời quá rét cần bổ sung thêm muối ăn, hòa với nước ấm cho trâu, bò uống với lượng 5g/100 kg thể trọng.

* Đối với lợn: Cần cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, cho uống nước ấm có pha thêm muối ăn với lượng 1g/10kg thể trọng); Bổ sung các loại vitamin ADE, Bcomplex,...để tăng sức đề kháng phòng, chống dịch bệnh;

* Đối với gia cầm: Cần cho ăn đầy đủ thức ăn đảm bảo nhu cầu, gia cầm non cho ăn cả ngày lẫn đêm; Bổ sung các loại vitamin ADE, Bcomplex,... để tăng cường sức đề kháng của gia cầm, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

 

 3. Về chế độ chăn thả  

  - Hạn chế chăn thả gia súc, gia cầm trong những ngày giá rét, nên nhốt và cho ăn uống tại chuồng; chỉ chăn thả khi trời tan sương, có nắng.

 (Lưu ý: Nên cho trâu, bò đi muộn về sớm, trước khi chăn thả cho trâu, bò ăn 5 - 6 kg rơm, cỏ khô để phòng tránh bệnh chướng hơi dạ cỏ)

 - Những ngày có nhiệt độ dưới 120C không chăn thả gia súc, gia cầm, cần nhốt gia súc, gia cầm trong chuồng, có bạt che chắn gió lạnh, đảm bảo cho ăn uống đầy đủ và tích cực sưởi ấm.

 4. Chủ động phòng bệnh bằng vắc xin

 Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch phòng bệnh, theo hướng dẫn của cán bộ thú y để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.

5. Kiểm tra, theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi

Hàng ngày người chăn nuôi cần theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi, có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, kịp thời phát hiện và xử lý khi con vật ốm hoặc chết. Phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y biết khi có vật nuôi chết số lượng nhiều để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp xử lý kịp thời tránh dịch bệnh lây lan.

 Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm trong đợt ứng phó với rét đậm và gió mạnh trên biển, đặc biệt trong những ngày rét đậm, rét hại của mùa đông. Các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp trên để nâng cao sức đề kháng và phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi./.

 

Danh sách liên quan
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Lượt truy cập
137640

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 116

Hôm qua: 222

Chung nhan Tin Nhiem Mang