Thứ Năm, 21/11/2024

Tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có hiệu lực trong tháng 01 năm 2021

Thứ Hai, 11/01/2021

1. Tổ chức đối thoại với thanh niên ít nhất 01 lần/năm

Đây là nội dung mới quy định tại Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2020. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên. Người có trách nhiệm đối thoại với thanh niên chỉ đạo chuẩn bị kế hoạch, chương trình đối thoại và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị chậm nhất 30 ngày trước ngày tổ chức đối thoại. Bên cạnh đó, Quốc hội quyết định lấy tháng 3 hằng năm là tháng Thanh niên với mục tiêu phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên.

Ngoài ra, Luật bổ sung chính sách về khởi nghiệp gồm các nội dung như sau: Giáo dục, đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên; Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng khoa học và công nghệ; Cung cấp thông tin về thị trường; hỗ trợ pháp lý, khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật…

2. Miễn Giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ dưới 07 tầng ở nông thôn

Ngày 17/6/2020, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14. Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Cụ thể, công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không yêu cầu Giấy phép xây dựng.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng quy định miễn Giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về giấy phép xây dựng theo quy định của Luật.

Ngoài ra, Luật cũng quy định máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công xây dựng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; rà soát biện pháp bảo đảm an toàn định kỳ, đột xuất để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế thi công trên công trường.

3. Từ 2021, dịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị nghiêm cấm

Đây là nội dung đáng chú ý mới được Quốc hội ban hành tại Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020. Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Theo đó, từ ngày Luật này có hiệu lực, thêm 02 nhóm ngành, nghề sau đây cấm các hoạt động đầu tư, kinh doanh, đó là: Kinh doanh pháo nổ và kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.

Bên cạnh đó, Luật mới quy định cụ thể nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ 04 trường hợp sau đây:

- Thứ nhất, nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

- Thứ hai, nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

- Thứ ba, nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

- Thứ tư, nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.

4. Từ 2021, tối thiểu 40% đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Ngày 19/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội số 65/2020/QH14. Theo đó, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội, tăng thêm 5% so với quy định cũ là 35%. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách có quyền đăng ký tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm.

Ngoài ra, số lượng và danh sách đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, phê chuẩn. Ủy ban thường vụ Quốc hội căn cứ vào yêu cầu và tình hình thực tiễn quyết định triệu tập hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước mỗi kỳ họp Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến về các dự án, đề án, báo cáo trước khi trình Quốc hội.

Bên cạnh đó, bổ sung lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội vào kinh phí hoạt động của Quốc hội.

Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

5. 06 vấn đề cần tập trung khi thẩm định dự thảo Nghị định

Ngày 18/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, số 63/2020/QH14. Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch để quy định chi tiết những vấn đề được Luật giao hoặc hướng dẫn một số vấn đề cần thiết trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thay vì chỉ có thẩm quyền ban hành Nghị quyết liên tịch để quy định chi tiết những vấn đề được Luật giao.

Bên cạnh đó, Luật quy định tờ trình dự án, dự thảo phải nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, mục đích, quan điểm xây dựng Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết; quá trình xây dựng dự án, dự thảo; Bố cục, nội dung cơ bản của dự thảo văn bản; Tính thống nhất của dự thảo văn bản với các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực; Tính tương thích của dự thảo văn bản với điều ước quốc tế có liên quan.

Ngoài ra, nội dung thẩm định dự thảo Nghị định cần tập trung vào các vấn đề sau:

- Sự cần thiết ban hành Nghị định; Sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước;

- Sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị định với văn bản được quy định chi tiết đối với Nghị định quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật này;

- Sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo Nghị định; Điều kiện bảo đảm về nguồn lực;

- Ngôn ngữ, kỹ thuật, trình tự soạn thảo;...

6. Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025

Ngày 18/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số146/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021. Theo đó, kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2025 trên cơ sở hạng đất đã được quy định và thực hiện trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2020.

Trường hợp địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định thì thực hiện theo quy định đó đến hết ngày 31/12/2025.

7. Điều kiện mới phòng cháy chữa cháy với hộ gia đình sản xuất-kinh doanh từ ngày 10/01/2021

Ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2021. Theo quy định, hộ gia đình phải đảm bảo các điều kiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC) quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy cháy chữa cháy. Đặc biệt hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất kinh doanh phải đảm bảo điều kiện trên cộng với phải có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC theo quy định của Bộ Công an; đồng thời phải có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản sản, kinh doanh. Điều kiện này phải được hộ gia đình thực hiện, duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất kinh doanh đã được cấp giấy chứng nhận ĐKDN phải đảm bảo điều kiện an toàn về PCCP tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định.

Nghị định cũng quy định điều kiện mới về PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, yêu cầu phương tiện cơ giới đường bộ trên 9 chỗ ngồi mới phải có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động, đảm bảo số lượng, chất lượng phù hợp thay vì phương tiện giao thông cơ giới từ 04 chỗ ngồi trở lên như quy định cũ.

8. Từ 11/01/2021, được phép bắn pháo hoa trong đám cưới, sinh nhật

Đây là nội dung mới được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo ngày 27/11/2020. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2021.Theo quy định mới, cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng bổ sung nhiều hành vi mới bị nghiêm cấm khi quản lý, sử dụng pháo như:

- Thứ nhất, nghiêm cấm mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

- Thứ hai, nghiêm cấm lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Thứ ba, nghiêm cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

- Thứ tư, nghiêm cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức…

9. Từ 15/01/2021, nhiều thay đổi trong triệu tập đối tượng bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng - An ninh

Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 139/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 13/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2021.Theo quy định mới, Học viện Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 thuộc cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội của trung ương trên địa bàn Thành phố Hà Nội; trường quân sự quân khu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 trên địa bàn quân khu; Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 của Thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3 và tương đương đối tượng 3 trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3 và tương đương đối tượng 3 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Hiệu trưởng Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh quyết định cấp, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3 và tương đương đối tượng 3.

10. Bảo đảm bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp

Ngày 08/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2020/NĐ-CP về việc quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/01/2021. Cụ thể, nguyên tắc cử tuyển như sau: Đúng đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định; Khách quan, công bằng, công khai, minh bạch; Bảo đảm người đi học theo chế độ cử tuyển được xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Người học theo chế độ cử tuyển được thông tin đầy đủ về chế độ cử tuyển; được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác; được tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn chung tuyển sinh theo chế độ cử tuyển gồm: thường trú 05 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi, người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này; đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển; không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định. Ngoài ra, hằng năm, các cơ sở giáo dục gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển đã tốt nghiệp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ xét tuyển và bố trí việc làm tối đa là 12 tháng, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ để xét tuyển.

11. Quy trình bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án

Ngày 16/11/2020, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 04/2020/TT-TANDTC về việc quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ hòa giải viên. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Cụ thể, quy trình bổ nhiệm Hòa giải viên gồm các bước sau: Thông báo nhu cầu tuyển chọn Hòa giải viên; Tiếp nhận hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên; Tư vấn lựa chọn Hòa giải viên; Ra quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên; Thông báo công khai danh sách Hòa giải viên. Hội đồng tư vấn lựa chọn Hòa giải viên có tối thiểu 03 người gồm Đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh là Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên.

Bên cạnh đó, chậm nhất 02 tháng trước ngày hết nhiệm kỳ, Hòa giải viên có nguyện vọng tiếp tục làm Hòa giải viên, nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại tại Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc. Ngoài ra, thẻ Hòa giải viên bị thu hồi nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Hòa giải viên được bổ nhiệm lại, phải nộp lại thẻ cũ để cấp thẻ mới; Hòa giải viên đã được miễn nhiệm, thôi làm Hòa giải viên; Hòa giải viên bị buộc thôi làm Hòa giải viên.

12. Thêm trường hợp công khai thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế

Ngày 03/12/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 17/01/2021. Theo đó, bên cạnh việc công khai thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế khi người nộp thuế ngừng hoạt động, đã hoặc chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế; Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;…. thì Bộ Tài chính mới bổ sung thêm trường hợp công khai đó là khi: Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh; Người nộp thuế có vi phạm pháp luật về đăng ký thuế. Đồng thời, người nộp thuế trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế phải hoàn thành những nghĩa vụ sau:

Trước hết, người nộp thuế nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn. Tiếp theo, người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa, số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ (nếu có) theo quy định của Luật Quản lý thuế với cơ quan quản lý thuế. Ngoài ra, trường hợp đơn vị chủ quản có các đơn vị trực thuộc thì toàn bộ các đơn vị trực thuộc phải hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị chủ quản./.

Nguồn: Phòng Tư pháp huyện

Danh sách liên quan
Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Thống kê truy cập
Lượt truy cập
111657

Trực tuyến: 11

Hôm nay: 222

Hôm qua: 164

Chung nhan Tin Nhiem Mang